“Du lịch xanh” là một xu hướng mới khá phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khái niệm này khá mới và xu hướng du lịch xanh cũng mới chỉ phát triển tại Việt Nam trong mấy năm trở lại đây. Vậy du lịch xanh là gì? Tại Việt Nam du lịch xanh có thực sự phát triển? Giải pháp để phát triển du lịch xanh là gì?
Du lịch xanh là gì?

Du lịch xanh là gì?
Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa trên cơ sở khai thác văn minh, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát triển vẻ đẹp nguyên sơ của cảnh quan, hạn chế tối đa các tác động ảnh hưởng tới môi trường sống con người.
Đặc biệt, “cốt lõi” của khái niệm “du lịch xanh” chính là các sản phẩm du lịch xanh được tạo ra từ nguyên vật liệu thân thiện môi trường, mang đến một môi trường sống an toàn, tốt cho sức khỏe con người. Có thể kể tên một số sản phẩm du lịch xanh như tour du lịch, sản phẩm, dịch vụ tại khách sạn, nhà hàng, hệ thống xử lý nước thải, thu gom rác triệt để, hệ thống giảm tiếng ồn, trồng cây xanh giảm ô nhiễm… đảm bảo các tiêu chí thân thiện môi trường, trở thành yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế tới trải nghiệm.
Thực trạng du lịch xanh tại Việt Nam
Việt Nam sở hữu điều kiện tự nhiên – văn hóa du lịch vô cùng đa dạng và phong phú. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch xanh. Tuy nhiên, Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ việc biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao nên việc phát triển loại hình du lịch xanh là vô cùng quan trọng.

Du lịch xanh – xu hướng du lịch mới tại Việt Nam
Trong khoảng thời gian vừa qua, một số tỉnh tại Việt Nam đang thực hiện phát triển mô hình du lịch xanh, điển hình như: Nghệ An – Quảng Bình phát triển du lịch cộng đồng, Huế phát triển du lịch nhà vườn, Nha Trang du lịch biển đảo, khu vực Đông Nam Bộ phát triển du lịch miệt vườn…
Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khiến loại hình du lịch xanh chưa được phát triển thực sự. Trong đó, sự phát triển quá nhanh của các khu du lịch không được quy hoạch bài bản, việc khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hợp lý, vấn đề xử lý nước thải chưa được kiểm soát mà xả thẳng ra môi trường khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Quan trọng nhất là sự hạn chế trong nhận thức về bảo vệ tài nguyên môi trường cùng các tệ nạn xã hội ngoại lai đã làm giảm sự phát triển của nền kinh tế du lịch, gây ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Việt Nam trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, nhiều công ty du lịch vì lợi ích kinh tế nên không khảo sát, điều tra thực trạng tài nguyên, môi trường mà tiến hành xây dựng các công trình, “copy” nguyên bản sản phẩm du lịch xanh từ công ty khác mà không chú trọng tới vấn đề thân thiện môi trường. Điều này dẫn đến tình trạng du lịch phát triển “đại trà” và “khá giống nhau”, không tạo nên sự khác biệt nổi bật và không phát triển bền vững được các sản phẩm du lịch xanh. Đây là thực trạng khá phổ biến trong việc phát triển loại hình du lịch xanh tại Việt Nam.
Giải pháp phát triển du lịch xanh tại Việt Nam
Với những chính sách phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước, mô hình du lịch xanh được định hướng phát triển với những giải pháp chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập:

Du lịch nhà vườn – mô hình du lịch xanh hấp dẫn tại Việt Nam
Thứ nhất, nâng cao trình độ nhận thức và hiểu biết về du lịch xanh, bắt đầu từ các cấp quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, đội ngũ nhân viên nhân sự các ngành liên quan đến du lịch cho đến cộng đồng dân cư khu vực.
Thứ hai, từ nhận thức trên thực hiện hành động cụ thể trong việc xây dựng, tổ chức, quản lý, thẩm định các dự án đầu tư phát triển du lịch một cách nghiêm ngặt, chặt chẽ, đảm bảo các “tiêu chí xanh” và nhân văn, chú trọng khai thác di sản thế giới gắn với văn hóa bản địa, tinh hoa truyền thống dân tộc.
Thứ ba, cần ban hành “Bộ tiêu chí xanh” để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phát triển du lịch vận dụng trong quá trình quy hoạch, đầu tư kinh doanh dự án. Đây cũng chính là căn cứ để xác nhận các công trình xanh, tour du lịch xanh, nhà hàng xanh, khách sạn xanh…
Thứ tư, cần tiếp tục mở rộng, phát triển ý tưởng và tích cực tham gia các hoạt động quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó khi biến đổi khí hậu, xây dựng môi trường xanh lành mạnh. Bên cạnh đó, cần phối hợp với Unesco tiếp tục quảng bá hình ảnh, văn hóa, du lịch xanh tại Việt Nam, góp phần đẩy mạnh nền kinh tế xanh tại Việt Nam.
Thứ năm, Nhà nước và doanh nghiệp phát triển dự án du lịch xanh cần đầu tư và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, truyền thông nền du lịch xanh Việt Nam trên toàn xã hội. Tuyên truyền nhận thức về du lịch xanh, quảng bá hình ảnh du lịch xanh tại Việt Nam là một điểm đến du lịch hoàn hảo cho du khách trong và ngoài nước.
Có thể thấy, song song cùng những chiến lược phát triển du lịch xanh để thúc đẩy nền kinh tế xanh, Việt Nam cần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, văn hóa, nâng cao nhận thức, tư tưởng để có thể phát triển du lịch xanh một cách toàn diện, hiệu quả.