Sổ đỏ là giấy tờ về nhà đất rất quan trọng, không chỉ là giấy tờ xác định quyền sử dụng, quyền sở hữu mà còn là điều kiện để thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở. Bởi vậy, thời gian làm sổ đỏ khá lâu. “Sang năm 2022 thời gian làm sổ đỏ có được rút ngắn không?” là câu hỏi được rất nhiều người dân quan tâm.
Sổ đỏ là gì?
Sổ đỏ là từ mà người dân thường dùng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dựa theo màu sắc của Giấy chứng nhận; pháp luật đất đai từ trước tới nay không quy định về Sổ đỏ, Sổ hồng.
Tùy theo từng giai đoạn, ở Việt Nam có các loại Giấy chứng nhận như:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Từ ngày 10/12/2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành mẫu Giấy chứng nhận mới áp dụng chung trên phạm vi cả nước với tên gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận có bìa màu hồng).
Hiện nay, Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành kế thừa tên gọi Giấy chứng nhận mới. Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 nêu rõ:
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”
Tóm lại, Sổ đỏ là Giấy chứng nhận có bìa màu đỏ; Sổ hồng gồm 02 loại: Sổ hồng theo mẫu cũ (được cấp trước ngày 10/12/2009) và Sổ hồng mới có màu hồng cánh sen – Hiện nay, người dân đang được cấp loại sổ này.
Sang năm 2022 thời gian làm sổ đỏ có được rút ngắn không?
Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định thời gian cấp sổ đỏ lần đầu như sau:
“Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là không quá 30 ngày”.
Tại khoản 40 Điều 2 Nghị định này cũng quy định rõ thời gian giải quyết thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng (thời gian sang tên) như sau:
“Chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 10 ngày”.
Như vậy, thời gian cấp, sang tên Sổ đỏ vẫn được giữ nguyên từ ngày 03/3/2017 (ngày Nghị định 01/2017/NĐ-CP có hiệu lực) cho đến nay. Tuy nhiên, nếu người dân chỉ đọc duy nhất 02 quy định trên sẽ có nhiều người hiểu rằng kể từ khi nộp hồ sơ thì:
– 30 ngày sau sẽ có Giấy chứng nhận mới (cấp Sổ đỏ lần đầu).
– 10 ngày sẽ thực hiện xong thủ tục sang tên Giấy chứng nhận.
Cách hiểu như trên là không đúng, vì thời gian giải quyết 02 thủ tục trên được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Lưu ý:
– Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận được tăng thêm 10 ngày (không quá 40 ngày), thời gian sang tên Giấy chứng nhận tăng thêm 10 ngày (không quá 20 ngày).
– Hồ sơ cấp, sang tên Giấy chứng nhận hợp lệ là hồ sơ bảo đảm đầy đủ các nội dung sau:
- Hồ sơ có đủ thành phần hồ sơ để thực hiện thủ tục theo quy định.
- Nội dung kê khai trong các giấy tờ (đối với các giấy tờ phải kê khai) phải đầy đủ theo quy định.
- Nội dung kê khai giữa các giấy tờ phải bảo đảm thống nhất.
Tóm lại, thời gian làm sổ đỏ năm 2021 không được rút ngắn. Để biết chính xác trong từng trường hợp cụ thể thì người dân căn cứ vào ngày hẹn trả kết quả trong phiếu tiếp nhận và trả kết quả nhận được khi nộp hồ sơ.
Đọc thêm: